Google Analytics là một dịch vụ phần mềm phân tích website được cung cấp bởi Google, Google Analytics cung cấp các phương thức thu thập dữ liệu và báo cáo lưu lượng truy cập (traffic) cho website. Hiện nay Google Analytics là một nền tảng con của bộ giải pháp Google Marketing Platform. Google ra mắt dịch vụ này vào tháng 11 năm 2005 sau khi mua lại hãng phần mềm Urchin.
Đến năm 2019 Google Analytics đã trở thành nền tảng phân tích dữ liệu website phổ biến nhất thế giới. Google Analytics cung cấp bộ SDK (Software Development Kit) là Analytics for Mobile Apps cho phép thu thập dữ liệu từ ứng dụng di động trên Android và iOS. Từ tháng 10 năm 2019 SDK này được thay thế bởi Firebase SDKs. Google Analytics có thể bị chặn truy cập trên trình duyệt, tiện ích trình duyệt (browser extensions), tường lửa hoặc các thành phần khác.
Google Analytics đã trải qua nhiều phiên bản khác nhau kể từ khi ra mắt. Mới nhất hiện nay là phiên bản thế hệ thứ 4 được Google đặt tên là Google Analytics 4 (gọi tắt GA4). GA4 chính thức ra mắt vào 10/2020, GA4 đã được chọn là thuộc tính mặc định lúc khởi tạo Google Analytics mới. Tính năng nổi bật nhất được giới thiệu trong GA4 là kết nối BigQuery đã được tích hợp sẵn, tính năng này trước đây chỉ xuất hiện ở phiên bản cao cấp GA360. Động thái này cho thấy nổ lực của Google trong việc cho phép khách hàng đang sử dụng Google Analytics miễn phí có thể tích hợp dữ liệu của họ vào nền tảng điện toán đám mây mạnh mẽ từ Google là Google Cloud.
Nội dung bài viết
Tính năng
Google Analytics thống kê hoạt động của website như thời lượng phiên (sessions), số trang mỗi phiên, tỷ lệ thoát trang…của người dùng sử dụng trang web, cùng với thông tin nguồn của truy cập. Được tích hợp với Google Ads mà người dùng có thể tạo và đánh giá các chiến dịch quảng cáo bằng cách theo dõi chất lượng của trang đích (landing page) và các chuyển đổi mục tiêu (goals). Mục tiêu thường là các giao dịch, khách hàng tiềm năng, lượt xem trang, xem video hoặc tải một tài liệu. Cách tiếp cận của Google Analytics là trình bày ở cấp độ cao, bảng dữ liệu dạng dashboard sẽ dành cho những người dùng thường xuyên, và các dữ liệu chuyên sâu hơn nữa sẽ tích hợp vào các báo cáo. Phân tích của Google Analytics có thể giúp xác định các trang có hiệu quả kém bằng các kỹ thuật như phễu trực quan (funnel visualization), người dùng đến từ đâu (referrers), ở lại trên website bao lâu (time on site), và vị trí địa lý của họ. Google Analytics đồng thời cung cấp nhiều chức năng nâng cao hơn, bao gồm tùy chỉnh phân khúc người dùng (users segmentation). Báo cáo Thương mại điện tử (e-commerce) của Google Analytics cũng cung cấp số giao dịch, doanh thu và một số chỉ số thương mại liên quan khác của website.
Vào 29 tháng 9 năm 2011 Google Analytics ra mắt báo cáo phân tích Thời gian thực (Real-Time), cho phép xem được khách đang truy cập vào website. Mỗi người dùng hệ thống sẽ được được phép tạo tối đa 100 thuộc tính, mỗi thuộc tính dùng cho 1 website, mỗi thuộc tính chỉ được theo dõi tối đa 10 triệu hit (mỗi hit tương đương 1 pageview) một tháng, quá số lượng này Google Analytics sẽ không xử lý. Phân tích Cohort sẽ giúp bạn hiểu về hành vi của một nhóm khách có cùng đặc trưng (user attributes) trong toàn bộ khách hàng. Báo cáo này hữu ích cho đội ngũ tiếp thị và phân tích giúp triển khai thành công các chiến lược tiếp thị.
Lịch sử
- 4/2005 Google mua lại công ty Urchin Software Corp. sau đó phát triển Google Analytics dựa trên nền tảng Urchin on Demand.
- 10/2005 phiên bản đầu tiên của Google Analytics được ra mắt.
- 2011 Google Analytics có phiên bản nâng cấp thay đổi về giao diện, bổ sung báo cáo thời gian thực (Real-Time).
- 10/2012 Google Analytics giới thiệu phiên bản mới với tên gọi Universal Analytics, hỗ trợ theo dõi dữ liệu đa thiết bị, hỗ trợ custom dimensions và custom metrics.
- 3/2016 Ra mắt Google Analytics 360
- 10/2017 Google Analytics ra mắt phiên bản mới với tên gọi Global Site Tag
- 6/2018 Google giới thiệu Google Marketing Platform là giải pháp tích hợp Google Analytics 360 và DoubleClick Digital Marketing
- 10/2020 Google Analytics 4 chính thức ra mắt
Công nghệ
Google Analytics được triển khai bằng “thẻ trang” hay còn gọi Mã Theo Dõi (Tracking Code) dưới dạng một đoạn mã Javascript mà chủ website cần phải gắn vào tất cả các trang của website. Các đoạn mã thu thập dữ liệu sẽ được kích hoạt khi người dùng truy cập vào trang web (nếu trình duyệt cho phép Javascript) và thu thập dữ liệu từ người dùng sau đó gửi về máy chủ thu thập dữ liệu của Google bằng kỹ thuật truy cập web beacon.
Mã Theo Dõi sẽ tải một thư viện JavaScript từ máy chủ Google về đồng thời thiết lập các biến giá trị với mã số Thuộc tính Google Analytics của website đã được khai báo.
Bên cạnh việc truyền tải thông tin về máy chủ Google, Mã Theo Dõi còn lưu một cookie của bên thứ nhất (first party cookie) xuống trình duyệt trên máy tính người dùng. Cookie này thường lưu trữ các thông tin ẩn danh được gọi là ClientID.
Nếu người dùng truy cập website bằng cách click vào các liên kết có gắn thông số UTM (Urchin Tracking Module) như:
https://www.example.com/page?utm_content=buffercf3b2&utm_medium=social&utm_source=facebook.com&utm_campaign=buffer
các thông số này cũng được phân tách để lưu vào cơ sở dữ liệu.
Hạn chế
Một số chương trình hoặc tiện tích như Firefox’s Enhanced Tracking Protection, NoScript và ứng dụng di động Disconnect Mobile có thể khóa Mã Theo Dõi của Google Analytics. Điều này ngăn cản dữ liệu được thu thập và gửi về máy chủ Google dẫn đến những thiếu sót trong dữ liệu chung. Ngoài ra, các mạng riêng tư như Tor sẽ ẩn vị trí thực tế của người dùng và đưa ra dữ liệu địa lý không chính xác. Một số người dùng không có trình duyệt có hỗ trợ / bật JavaScript hoặc tắt tính năng này. Tuy nhiên, những hạn chế này được coi là nhỏ – chỉ ảnh hưởng đến một tỷ lệ nhỏ các lần truy cập.
Một tác động nguy cơ đến độ chính xác của dữ liệu đến từ việc người dùng xóa hoặc chặn các cookies của Google Analytics. Nếu không thiết lập được cookies Google Analytics sẽ không thể thu thập được dữ liệu.
Các nguy cơ này cũng ảnh hưởng đến tất cả các công cụ phân tích khác có sử dụng Mã Theo Dõi (phần lớn là JavaScript) gắn vào các trang web.
Hiệu suất
Có nhiều thảo luận về tác động của Google Analytics đến hiệu năng của website. Tuy nhiên Google đã giới thiệu mã theo dõi Javascript bất đồng bộ (asynchronous) vào 12/2009 để không ảnh hưởng đến tốc độ tải trang có gắn mã ga.js
Bảo mật
Do tính phổ biến của nền tảng, Google Analytics dẫn tới một số mối quan ngại về vấn đề bảo mật. Để ngăn chặn việc tiếp cận vị trí tương đối của người dùng, Google Analytics đã ẩn các thông tin về địa chỉ máy tính(IP address), Nhà cung cấp mạng (Service Provider) và Miền mạng lưới (Network Domain) ra khỏi hệ thống của mình.
Hỗ trợ và Đào tạo
Google cung cấp miễn phí các bài học IQ của Google Analytics, bài kiểm tra chứng nhận Google Analytics, Trung tâm trợ giúp miễn phí, Diễn đàn FAQ và Google Groups chính thức cho Google Analytics.
Các tính năng mới của sản phẩm được công bố trên Blog của Google Analytics. Phần Hỗ trợ doanh nghiệp (phiên bản GA360) được cung cấp thông qua các Đối tác hoặc Học viện Ads của Google.
Hỗ trợ bên thứ 3
Google Analytics API bao gồm Management API, Core Reporting API, MCF Reporting API, Real Time Reporting API được cung cấp để xây dựng các ứng dụng tùy chỉnh phục vụ cho các báo cáo và quản trị thiết lập.
Độ phổ biến
2008 Pingdom khảo sát có 32% website phổ biến dùng Google Analytics
2010 có 49.95% top 1 triệu website toàn cầu dùng Google Analytics
2012 có 55% top 10 ngàn website phổ biến dùng Google Analytics
2013 có 66.2% top 10 ngàn website phổ biến dùng Google Analytics
Nguồn: Wikipedia